Họp Ban chỉ đạo chương trình Sữa học đường

Đăng vào 27/05/2019

 

 

 

 

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến tại cuộc họp Ban chỉ đạo

 

Với mục tiêu cải thiện tình trạng dinh dưỡng của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thông qua hoạt động cho trẻ uống sữa hàng ngày nhằm giảm tỉ lệ suy dinh dưỡng, nâng cao tầm vóc, thể lực trẻ em Việt Nam góp phần phát triển nguồn nhân lực trong tương lai, năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng c ao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020. Bộ Y tế được giao chủ trì, phối hợp với các Bộ Ngành liên quan, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố  trực thuộc Trung ương và các tổ chức chính trị xã hội , tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai thực hiện Chương trình Sữa học đường.

 

Theo báo cáo không đầy đủ của 52 tỉnh, thành phố, hiện có 13 tỉnh đã triển khai chương trình Sữa học đường ở các quy mô khác nhau, chỉ có 6 tỉnh thành lập Ban chỉ đạo. Chương trình gặp nhiều khó khăn như: Chưa có sự quan tâm, chỉ đạo của địa phương, đầu mối triển khai chưa đồngnhất, nguồn kinh phí chưa được chủ động, các tiêu chuẩn và nhãn mác cho sản phẩm chưa được tuân thủ, công tác truyền thông, xã hội hóa chưa được mạnh mẽ…Chính vì vậy, cần phải phát huy hơn nữa vai trò của các Bộ, Ngành trong phối hợp triển khai chương trình, có hướng dẫn cụ thể đối với các sản phẩm sữa tươi tham gia chương trình. Đồng thời phải tăng cường đối thoại, huy động và tạo điều kiện để các doanh nghiệp tham gia chương trình, hỗ trợ các địa phương triển khai.

 

Logo cho sản phẩm sữa phục vụ chương trình Sữa học đường

 

Bộ Y tế đã xây dựng và ban hành các quy định về sản phẩm sữa tươi phục vụ chương trình sữa học đường, hướng dẫn các địa phương triển khai chương trình. Quý II/2019 đã hướng dẫn chuyên môn cụ thể các loại sữa tươi tham gia chương trình, trong đó quy định 03 vi chất dinh dưỡng bắt buộc bổ sung là Sắt, Canxi, Vitamin D và 16 vi chất dinh dưỡng khác khuyến khích bổ sung. Cũng trong thời gian này, Bộ Y tế đã ban hành nhãn mác logo của sản phẩm sữa tham gia chương trình.

 

 

Quang cảnh cuộc họp

 

Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cho biết: Chương trình sữa học đường có ý nghĩa nhân văn và xã hội to lớn đối với sự phát triển của trẻ em Việt Nam, giúp đảm bảo công bằng xã hội, cơ hội tiếp cận dinh dưỡng công bằng đối với mọi trẻ em lứa tuổi mẫu giáo, tiểu học. Để chương trình được triển khai rộng rãi trong cả nước cần sự chung tay của các cấp, các ngành, ủy ban nhân dân các tỉnh/ thành phố và sự chung tay của các doanh nghiệp.

Ngày 8/7/2016, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1340/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và tiểu học đến năm 2020 với 7 chỉ tiêu cụ thể:

- Đến năm 2020, 90% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở thành thị và 60% bố, mẹ, người chăm sóc trẻ ở nông thôn của những trẻ tham gia uống sữa được truyền thông, giáo dục và tư vấn về dinh dưỡng.

- Đến năm 2020, 100% số học sinh mẫu giáo và tiểu học của các huyện nghèo được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đến năm 2020, 70% số học sinh mẫu giáo và tiểu học ở vùng thành thị, nông thôn được uống sữa theo Chương trình Sữa học đường.

- Đáp ứng nhu cầu năng lượng của trẻ mẫu giáo và tiểu học đạt 90% - 95% vào năm 2020.

- Tăng tỷ lệ protein động vật/protein tổng số của khẩu phần trẻ em mẫu giáo và tiểu học đạt trên 40% vào năm 2020.

- Đáp ứng nhu cầu sắt, canxi, vitamin D của trẻ em mẫu giáo và tiểu học thêm 30% vào năm 2020.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể nhẹ cân ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,6%/năm.

- Đến năm 2020, giảm tỷ lệ suy dinh dưỡng thể thấp còi ở trẻ em mẫu giáo và tiểu học trung bình 0,7%/năm.

- Đến năm 2020, chiều cao trung bình của trẻ tuổi nhập học (6 tuổi) tăng từ 1,5 cm - 2 cm ở cả trẻ trai và gái so với năm 2010.

Đối tượng thụ hưởng Chương trình Sữa học đường là trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học đang theo học tại các cơ sở giáo dục trên địa bàn tự nguyện tham gia. Mỗi trẻ sẽ uống sữa tươi 5 lần/tuần (mỗi ngày đến trường uống một lần), mỗi lần một hộp 180 ml. Việc này được duy trì suốt 9 tháng đến trường trong mỗi năm học của các em.

Nguồn kinh phí thực hiện bao gồm: Huy động sự tham gia, hỗ trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước; đóng góp của gia đình và cộng đồng; sự hỗ trợ của ngân sách địa phương theo khả năng cân đối./.