Lịch sử , truyền thống

Đăng vào 01/11/2018
Lịch sử , truyền thống Vụ Sức khỏe Bà mẹ- Trẻ em

1- Quá trình hình thành và phát triển
 

Thời kỳ trước 1975

Nước VN DCCH thành lập còn nhiều khó khăn. Ngay sau khi giành độc lập chính quyền, Hiến pháp đầu tiên của Nhà nước năm 1946 đã đề cập “Người lớn bảo vệ quyền lợi của người mẹ và trẻ em, đảm bảo phát triển nhà đỡ đẻ, nhà trông trẻ và vườn trẻ”

Năm 1960, Cách mạng nước ta chuyển sang một thời kỳ mới theo tinh thần nghị quyết Đại hội III của Đảng. Miền Bắc sau 5 năm khôi phục và xây dựng kinh tế, đóng vai trò là hậu phương lớn, chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến lớn. Do đó công tác an sinh xã hội, đặc biệt là việc chăm lo sức khỏe cho phụ nữ, trẻ em và nguwoif già càng được coi trọng. Để thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe phụ nữ, loại trừ bệnh phụ khoa, phòng chống tai biến sản khoa và hạn chế tình trạng hữu sinh vô dưỡng, Bệnh viện C (nay là bệnh viện Phụ sản TW) chính thức được thành lập trên cơ sở tách ra từ Khoa sản Bệnh viện Bạch Mai.

Mặt khác, công tác Dân số và Kế hoạch hóa gia đình đã được Đảng và Chính phủ quan tâm, từ những năm 1960, nhà nước thành lập Ủy ban QG về sinh đẻ có kế hoạch do Thủ tướng chính phủ trực tiếp phụ trách. Bộ Y tế là cơ quan tham mưu cho chính phủ về chuyên môn kỹ thuật và thông tin truyền thông.

Trong thời kỳ 1971-1974 Chính phủ thành lập Ủy ban Bảo vệ bà mẹ trẻ em để thực hiện nhiệm vụ bảo vệ bà mẹ trẻ em bao gồm các hoạt động về giáo dục sức khỏe, truyền thông và vận động thực hiện sinh đẻ có kế hoạch cùng với hệ thống trạm bảo vệ bà mẹ trẻ em.
 

Thời kỳ 1975-1993

Năm 1975, sau khi đất nước thống nhất, Ủy ban bảo vệ bà mẹ trẻ em được giải thể. Bộ Y tế tiếp tục quản lý chương trình quốc gia về KHHGĐ, cung cấp phương tiện tránh thai thông qua hệ thống y tế trong cả nước. Vào thời gian này, các trạm bảo vệ bà mẹ trẻ em được đổi tên thành Trạm sinh đẻ có kế hoạch

Năm 1984, Ủy ban QG về DS và KHHGĐ được thành lập và đến năm 1991 trở thành cơ quan độc lập trực thuộc Thủ tướng Chính phủ, từ đây hình thành 2 hệ thống:

  • UBQGDS/KHHGĐ ở cấp quốc gia, UBDS/KHHGĐ tỉnh, huyện và chuyên trách xã nhằm quản lý công tác dân số, cung cấp thông tin giáo dục truyền thông và cung cấp biện pháp tránh thai.
  • Bộ Y tế giữ vai trò chính trong việc đào tạo cán bộ và cung cấp dịch vụ tránh thai

Vào thời điểm này công tác CSSK BMTE/KHHGĐ ở Việt nam đã đạt những thành tựu đáng kể. Tuy nhiên việc thực hiện công tác CSSK BMTE/KHHGĐ theo quan niệm rộng vẫn còn nhiều tồn tại và đặt ra nhiều thách thức cần giải quyết đối với ngành y tế. Do sức ép gia tăng của dân số đối với sự phát triển kinh tế, xã hội và hội nhập quốc tế, Bộ Y tế đã xác định cần có một đầu mối làm nhiệm vụ quản lý nhà nước về công tác chăm sóc SK BMTE và KHHGĐ.

Vụ Bảo vệ BMTE và KHHGĐ được chính thức thành lập năm 1991 trên cơ sở phòng chỉ đạo công tác bảo vệ sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ của Vụ Quản lý sức khỏe.

Việt Nam chúng ta đã đón sẵn một vận hội mới với sự kiện liên quan đến sức khỏe bà mẹ trẻ em và KHHGĐ, đó là Hội nghị quốc tế về Dân số và Phát triển tại Cai rô, Ai cập năm 1994.
 

Thời kỳ từ 1993 đến nay

Hội nghị Cairo đã nâng khái niệm CSSKBMTE và KHHGĐ trước đây lên một bước thông qua việc giới thiệu khái niệm Sức khỏe sinh sản. Sức khỏe sinh sản là một phần của sức khỏe nói chung, là sự hòa hợp hoàn toàn về thể chất, tinh thần và xã hội của mọi vấn đề có liên quan đến sinh sản. Ngoài việc không có bệnh tật của hệ thống sinh sản, khái niệm này còn hàm ý là mọi người, kể cả nam và nữ, đều có quyền được nhận thông tin và tiếp cận các dịch vụ y tế, được tự lựa chọn các biện pháp KHHGĐ an toàn, hiệu quả và chấp nhận được, đảm bảo cho người phụ nữ trải qua quá trình thai nghén và sinh đẻ an toàn, tạo điều kiện tốt nhất cho cặp vợ chồng có được đứa con khỏe mạnh.

Chăm sóc SKSS bao gồm một loạt các dịch vụ KHHGĐ, làm mẹ an toàn, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa và điều trị các bệnh nhiễm trùng đường sinh sản, bệnh lây truyền qua đường tình dục (kể cả HIV/AIDS), phá thai an toàn, SKSS vị thành niên, dự phòng, điều trị vô sinh và ung thư đường sinh sản, chăm sóc SKSS nam giới và người cao tuổi.

Tuy nhiên, không phải đợi đến Hội nghị Cai rô về Dân số và phát triển, các nội dung CSSKSS mở rộng mới được triển khai. Trong thực tế, các nội dung này đã được đề cập và bắt đầu thực hiện ở Việt nam từ trước năm 1994. Sau Hội nghị Cai rô, Chính phủ Việt nam cũng như Bộ Y tế đã thể hiện cam kết cao về việc cải thiện sự tiếp cận và nâng cao chất lượng dịch vụ CSSKSS một cách toàn diện. Các dịch vụ CSSKBMTE/KHHGĐ ở Việt nam đã được cung cấp thông qua hệ thống các cơ sở y tế bao gồm các bệnh viện đa khoa và chuyên ngành sản phụ khoa từ TW đến tỉnh, huyện cùng các trạm y tế xã/phường. Hệ thống các cơ sở y tế này tiếp tục cung cấp các dịch vụ chăm sóc sản khoa cơ bản và các biện pháp tránh thai từ “cuộc vận động sinh đẻ có kế hoạch” được phát động từ đầu thập kỷ 60. Trong bối cảnh và nhu cầu hội nhập, Bộ Y tế chủ trương thiết lập một hệ thống quản lý chăm sóc SK BMTE và dịch vụ KHHGĐ. Bước đột phá đầu tiên là ban hành Thông tư số 171/BYT-TT ngày 6/6/1991 trong đó quy định tại tuyến tỉnh: Trạm bảo vệ bà mẹ-sinh đẻ có kế hoạch đổi tên thành Trung tâm bảo vệ SKBMTE/KHHGĐ, các đội “đặt vòng lưu động” được đổi tên thành Đội bảo vệ SKBMTE/KHHGĐ ở tuyến huyện. Tiếp đó Vụ Bảo vệ BMTE/KHHGĐ - Bộ Y tế chính thức được công nhận theo nghị định số 68/CP ngày 11/10/1993 của Thủ tướng Chính phủ với nhiệm vụ tham mưu cho Bộ trưởng quản lý chỉ đạo công tác BVSKBMTE và dịch vụ KHHGĐ.

Kể từ khi thành lập đến nay, hệ thống CSSKBMTE/KHHGĐ đã không ngừng phát triển khắp các tỉnh, thành phố trong cả nước kể cả về cơ sở vật chất lẫn quy mô, tay nghề của cán bộ, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu của nhân dân trên nguồn lực hiện có, góp phần đáng kể trong sự nghiệp bảo vệ và chăm sóc sức khỏe nhân dân của ngành y tế

Năm 2003 Vụ Bảo vệ SKBMTE/KHHGĐ đổi tên thành Vụ Sức khỏe sinh sản đánh dấu một thời điểm quan trọng là điểm khởi đầu thúc đẩy công tác chăm sóc SK BMTE/KHHGĐ lên một bước mới.

Từ năm 2007, theo Nghị định 188/2007/NĐ-CP ngày 27/12/2007 của Chính phủ, Vụ Sức khỏe sinh sản được đổi tên thành Vụ Sức khỏe Bà mẹ-Trẻ em.
 

2- Lãnh đạo

2.1. Lãnh đạo Đương nhiệm:

* Vụ trưởng:

- TS.BS.Nguyễn Đức Vinh

* Phó Vụ trưởng:

- ThS. BS.Đinh Anh Tuấn

- TS.BS.Trần Đăng Khoa

- BS. Tống Trần Hà

2.2. Lãnh đạo qua các thời kỳ:

* Các Vụ trưởng:

- GS.TS Đỗ Trọng Hiếu

- BS Nguyễn Đình Loan

- TS Nguyễn Duy Khê

- PGS.TS Lưu Thị Hồng

* Các phó Vụ trưởng:

- GS.TS Trần Thị Phương Mai

- PGS.TS Đinh Thị Phương Hòa

- TS Phạm Việt Thanh

  - ThS. Nguyễn Đức Vinh
  - BSCKII. Phan Thị Ninh

3- Khen thưởng

Với bề dầy lịch sử hình thành và phát triển, cùng với sự đóng góp tích cực trong công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân nói chung và công tác chăm sóc sức khỏe sinh sản nói riêng, Vụ Sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước như:

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2011

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2010

- Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2004

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2011

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2010

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2007

- Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Y tế năm 2006

- Bằng khen của Ban chấp hành đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh khối các Cơ quan Trung ương năm 2010

          Ngoài ra, Vụ còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen liên quan tới công tác chăm sóc sức khỏe Bà mẹ - Trẻ em của các cơ quan, đoàn thể, tổ chức,...

Hội nghị khoa học chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa (12/8/2019)