Người bác sĩ có bàn tay 'vàng'

Đăng vào 18/02/2019
Dành trọn cuộc đời cống hiến cho y học nước nhà, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho biết bao gia đình hiếm muộn, GS.TS Nguyễn Viết Tiến được bệnh nhân gọi bằng cái tên người bác sĩ có "bàn tay vàng".

Sinh ra và lớn lên ở làng quê Cẩm Thạch (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh), từ nhỏ, cậu học trò Nguyễn Viết Tiến đã mơ ước được bước chân vào nghề y. Tốt nghiệp THPT, năm 1975, ông thi vào Trường Đại học Y Hà Nội và trúng tuyển. Tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục thi đậu vào học nội trú tiếp 3 năm.

Ông là một trong 40 bác sỹ tốt nghiệp nội trú bấy giờ được phân công về làm ở Viện Bảo vệ bà mẹ và trẻ em. Vừa làm việc ở viện, ông vừa tham gia giảng dạy tại Trường Đại học Y. Sự nghiệp của ông gắn chặt và thành công rực rỡ với nghề sản khoa kể từ khi ông được điều động về làm Phó Giám đốc rồi Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Và, cái danh xưng “Người có bàn tay vàng” mà mọi người gắn cho ông cũng bắt đầu từ đó…

GS.TS Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế hân hoan ẵm đứa trẻ đầu tiên được sinh từ mang thai hộ, do ông trực tiếp phẫu thuật sáng ngày 22/1/2016 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, Hà Nội.

Để tìm hiểu thêm về cuộc đời và sự nghiệp của người bác sĩ tài năng nay, tôi đã cố gắng liên hệ và có một cuộc hẹn với ông. Đến ngày hẹn, dù đã quá giờ hẹn hơn 1 tiếng rồi nhưng vẫn chưa thấy ông, tôi mạnh dạn hỏi một người khoác áo choàng trắng. “Giáo sư lại vừa mổ tiếp ca nữa. Chắc phải 30 phút sau mới xong”. Nhìn đồng hồ, đã gần 7h tối, tôi tiếp tục tựa lưng vào một bức tường trên hành lang khoa phẫu thuật, tầng 4, nhà G của Bệnh viện Phụ sản Trung ương, ngóng ông…

Các phóng viên theo ngành y tế đã quen với những cái hẹn trễ như thế này với GS.TS Nguyễn Viết Tiến, khi những ca mổ cứ đến với ông liên tiếp bên cạnh công việc quản lý của một Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế. “Ca mổ khó lại khẩn cấp nên mình phải cố”. Phân trần như vậy sau khi kết thúc ca mổ, trở ra rồi ông cho hay: “Mình chỉ có thể vừa nghỉ giải lao vừa tiếp chuyện nhà báo khoảng hơn chục phút thôi. Nhà báo thấy đấy, còn nhiều người đang đợi mình ngoài kia…”.

Tôi hướng ánh nhìn ái ngại theo tay chỉ của ông. “Họ đều là những cặp vợ chồng hiếm muộn đấy, anh…”. Nói đoạn ông dẫn tôi vào ngồi tạm ngay trong phòng giao ban khoa của khoa này. Phần e ông quá mệt mỏi sau hàng giờ đồng hồ đứng mổ, phần thấy ông ngại nói về mình, trong hầu hết khoảng thời gian hơn chục phút gặp gỡ, hầu như tôi chỉ nghe nhiều hơn hỏi và lặng lẽ chiêm ngưỡng chân dung của ông, người có “bàn tay vàng”, như các bệnh nhân thường trìu mến gọi ông như thế.

Trong suốt cuộc tiếp xúc, với giọng nói ấm áp truyền cảm như lời người thầy giáo trên bục giảng bài, ông chỉ nói về những băn khoăn, trăn trở của mình, rằng làm thế nào để có thể giúp được nhiều hơn cho người bệnh và có thể giúp đỡ được nhiều thế hệ học trò. Bởi, theo ông, có rất nhiều người trong số đó còn rất nghèo.

Ông không chỉ có tiếng giỏi trong phẫu thuật sản khoa, mà còn giỏi trong chuyên môn thụ tinh trong ống nghiệm. Với cương vị Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, ông đã phải hạ bút ký giấy cho khá nhiều cặp vợ chồng được làm thụ tinh trong ống nghiệm dù trong túi họ không có đồng một đồng nào.

Khoan thai, nhân từ, nhưng ẩn sau cái tướng mạo tưởng như ung dung, tự tại ấy, vẫn thấy sự tất bật, hối hả vì công việc của ông. Mỗi ngày trôi qua với ông dường như quá ngắn. Hết việc quản lý, ông lại vội vã bắt tay vào việc chuyên môn, đào tạo, nghiên cứu khoa học và nhiều khi ông bước chân về với tổ ấm gia đình thì thường đã nửa đêm.

Từ khi mới vào nghề, người bác sỹ trẻ này đã tự nhủ với bản thân rằng, phải lựa chọn một lĩnh vực chuyên sâu, khó ở Việt Nam đang yếu để học tập, nghiên cứu, đưa vào ứng dụng. Và một cơ duyên đã đến với ông, ngày ấy, có một vị giáo sư người Mỹ sang Việt Nam chuyển giao công nghệ mổ nội soi sản khoa. Người bác sỹ trẻ Nguyễn Viết Tiến may mắn được chọn phiên dịch cho vị giáo sư này.

Vị giáo sư người Mỹ hỏi ông: “Có thích học kỹ thuật mổ nội soi không?”, ông trả lời ngay: “Rất thích!”. Ít lâu sau, ông được giáo sư mời tham gia đào tạo ở Mỹ. Bấy giờ, ở Việt Nam, bệnh vô sinh, hiếm muộn xuất hiện rất nhiều nhưng chưa có phương pháp chữa trị tiến bộ. Ông bày tỏ nguyện vọng và được vị giáo sư người Mỹ chấp thuận dạy thêm kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm.

Năm 1999, bác sỹ Nguyễn Viết Tiến hoàn thành chương trình đào tạo, chuyển giao kỹ thuật phẫu thuật nội soi sản khoa và kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm tại Mỹ. Trở về Việt Nam, năm 2000, ông bắt tay ngay vào việc triển khai phục vụ bệnh nhân hiếm muộn tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương. Đó là lý do ra đời của Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia mà tiền thân là đơn nguyên Hỗ trợ sinh sản thuộc khoa phụ II, Bệnh viện Phụ sản Trung ương do ông làm giám đốc. Những ca thụ tinh trong ống nghiệm đầu tiên thành công khiến các cặp vợ chồng hiếm muộn vỡ òa niềm hạnh phúc. Trong niềm vui chung ấy, ông càng khát khao chinh phục tri thức y học mới để ứng dụng vào cuộc sống.

 

Thao tác kỹ thuật ICSI tiêm tinh trùng vào bào tương noãn.

Từ đó đến nay, trung tâm đã đạt được những thành tựu đáng ghi nhận. Ngày 27/10/2000, trung tâm đã thực hiện ca chọc hút noãn đầu tiên. Ngày 29/10/2000, trung tâm có ca chuyển phôi đầu tiên. Bé gái IVF đầu tiên ra đời bằng phương pháp mổ lấy thai ngày 26/6/2001 nặng 2900g. Sau đó, Trung tâm áp dụng thành công kỹ thuật giảm thiểu phôi chọn lọc năm 2001, tiếp đến các kỹ thuật cũng được áp dụng thành công như: Xin noãn, kỹ thuật ICSI, đông tinh, đông lạnh/rã đông phôi, noãn, lấy tinh trùng từ mào tinh (PESA/ICSI), chuyển phôi nang (Blastocyst), tinh trùng đông lạnh chuyển về từ nước ngoài, kỹ thuật phôi thoát màng.

Đặc biệt, năm 2014 trung tâm đã áp dụng thành công kỹ thuật chẩn đoán di truyền tiền làm tổ (PGD), sàng lọc lệch bội nhiễm sắc thể bố mẹ và sàng lọc 24 cặp nhiễm sắc thể. Mỗi năm, tại đây thường có từ 2.000 - 3.000 ca thụ tinh trong ống nghiệm. Nếu những năm đầu 2000, tỷ lệ thành công trong thụ tinh ống nghiệm chỉ nằm ở khoảng 30-35% thì đến nay tỷ lệ này đã tăng lên từ 50-60%. Trong những thành công chung của lĩnh vực sản khoa ở đây, dấu ấn cá nhân của ông hiện ra rất rõ.

Thao tác kỹ thuật chọc hút trứng và chuyển phôi tại Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia.

Bên cạnh đó, trong sự chủ trì của GS.TS Nguyễn Viết Tiến, trung tâm còn triển khai nhiều nghiên cứu cấp Bộ, cấp Nhà nước. Tiêu biểu là đề tài: “Nghiên cứu ứng dụng một số kỹ thuật cao trong chẩn đoán và điều trị vô sinh ở Việt Nam”. Công trình nghiên cứu có tác động lớn không những với ngành y tế, mà còn tác động lớn đối với an sinh xã hội, giúp cho các nhà quản lý của Bộ Y tế hoạch định ra các chiến lược, chương trình và các chính sách vĩ mô về vấn đề vô sinh của Việt Nam.

Với giá trị khoa học, ứng dụng thực tiễn và đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực y dược của công trình, năm 2013, GS.TS Nguyễn Viết Tiến đã vinh dự được nhận Giải thưởng Nhân tài Đất Việt, thành tựu y học trọn đời lĩnh vực y dược. Ngoài ra phải kể đến những đề tài nghiên cứu khác như:  “Đánh giá hiệu quả lâm sàng của Corifollitropin”, “Xây dựng quy trình chẩn đoán sàng lọc một số bất thường nhiễm sắc thể trước chuyển phôi ở những đối tượng thụ tinh ống nghiệm”, “Nghiên cứu tính an toàn miễn dịch của Foligraf trên đối tượng thực hiện Hỗ trợ sinh sản”.

Các nghiên cứu nói trên không những được áp dụng vào thực tế, mà còn được báo cáo tại các hội nghị trong nước, quốc tế và chuyển giao thành công kỹ thuật thụ tinh trong ống nghiệm cho các cơ sở y tế. Đó là các đơn vị như: Trung tâm công nghệ phôi 103, Bệnh viện Phụ sản Hải Phòng, Bệnh viện Phụ sản Thanh Hóa, Bệnh viện Hùng Vương (TP Hồ Chí Minh), Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Bưu điện, Bệnh viện Nam học và hiếm muộn Hà Nội, Bệnh viện A Thái Nguyên, Bệnh viện Đa khoa Nghệ An, Bệnh viện Sản - nhi Quảng Ninh, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, Bệnh viện Việt - Bỉ.

Hiện trung tâm có 42 cán bộ viên chức, trong đó có 1 Giáo sư, 2 Phó Giáo sư, 2 Tiến sỹ, 3 Thạc sỹ lâm sàng, 6 Thạc sỹ chuyên mô phôi và gần 30 điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, hộ lý. Năm 2012, trung tâm đã được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen vì đã có thành tích góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Năm 2009, Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Viết Tiến vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới”.

Liên tục trong nhiều năm, trung tâm được Bộ trưởng Bộ Y tế tặng Bằng khen do hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, kế hoạch y tế và quá trình phát triển nền y học Việt Nam. Cũng nhiều năm liên tục, Trung tâm hỗ trợ sinh sản Quốc gia đã được công đoàn ngành Y tế Việt Nam tặng danh hiệu Tổ công đoàn xuất sắc, Công đoàn kiểu mẫu và có nhiều tấm gương người tốt việc tốt. Năm 2016, GS Tiến thực hiện thành công kỹ thuật mới nong vòi tử cung, kết quả sản phụ có thai và đã sinh con vào năm 2017.

Mỗi năm, từ Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, từ tay người Anh hùng lao động, Thầy thuốc nhân dân Nguyễn Viết Tiến, đang có từ 1.000 - 2.000 đứa trẻ chào đời theo cách thụ tinh trong ống nghiệm và nong vòi tử cung, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho bao cặp gia đình hiếm muộn. Đó cũng là niềm vui vô bờ bến của người bác sỹ có “bàn tay vàng” nói trên mà mỗi lúc gặp gỡ, trò chuyện, ông lại tự hào nói với mọi người: “Tôi có rất nhiều con”...

Dành trọn cả cuộc đời cống hiến cho y học nước nhà, mang lại niềm hạnh phúc lớn lao cho biết bao gia đình hiếm muộn, GS.TS Nguyễn Viết Tiến được bệnh nhân gọi bằng cái tên trìu mến người bác sĩ có "bàn tay vàng".


Tin khác

Hội nghị khoa học chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa (12/8/2019)