PGS.TS. Nguyễn Viết Tiến Thứ trưởng Bộ Y tế : Về nhà lúc nửa đêm nhưng vợ tôi không biết ghen!

Đăng vào 18/02/2019
PGS, TS Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế chia sẻ về cuộc sống của gia đình ông sau những giờ làm việc căng thẳng, bận bịu

 

BS Nguyễn Viết Tiến: Về nhà lúc nửa đêm nhưng vợ tôi không biết ghen! - ảnh 1
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến đã đến thăm và tặng quà công dân thứ 90 triệu.

Toàn về nhà lúc nửa đêm

 

Có lẽ trong các vị lãnh đạo của Bộ Y tế, để gặp được Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến là khó nhất bởi ông không chỉ có hàng tá công việc của nhà quản lý, ông còn phụ trách công tác chuyên môn quan trọng của Bệnh viện Phụ sản Trung ương. 

Ngoài những cuộc họp ở nhiệm sở, ông lại mau chóng lên chiếc xe cũ của cơ quan để về bệnh viện tiếp bệnh nhân, thực hiện những ca mổ khó, tiếp các đoàn khách quốc tế đến thăm bệnh viện, chia sẻ chuyên môn... 

Mỗi phóng viên muốn phỏng vấn được ông đều phải chờ đợi ông cả tháng, ông chỉ gói gọn chia sẻ trong 15 - 20 phút về chuyên môn. Còn những câu chuyện phía sau đời sống của ông, sau ánh sáng phòng mổ, thì hầu như ông ít chia sẻ. 

Một phần là vì ông không có thời gian, một phần đối với ông gia đình là nơi thiêng liêng nhất của mỗi con người sau một ngày làm việc vất vả. Khó khăn lắm ông mới chia sẻ với chúng tôi về gia đình của mình.

Tất cả những buổi tiếp xúc với bệnh nhân ông đều nhẹ nhàng. Ông không bao giờ vì quá bận mà cáu gắt. Giọng nói ông ấm áp truyền cảm như lời người thầy giáo giảng bài trên bục giảng chứ không phải là trò chuyện của bác sĩ với bệnh nhân. Đó là điều mà không phải vị bác sĩ nào cũng có được. 

Vì thế, bệnh nhân của ông dù không có đồng nào trong túi cũng tự tin bước chân vào phòng để được ông tư vấn cũng như xin chữ ký để làm thụ tinh trong ống nghiệm.

Gần mười lăm năm nay, từ ngày ông bén duyên với công nghệ y học về thụ tinh trong ống nghiệm, không ngày nào phó giáo sư Tiến bước chân về nhà sớm trước 23 giờ khuya. 

Ông ít được ở nhà ăn tối với gia đình. Mỗi năm, những bữa tối quây quần như thế chỉ đếm trên đầu ngón tay. Nhất là từ khi lên thứ trưởng Bộ Y tế thì tần suất xuất hiện ở nhà của ông càng ít hơn. 

Những chuyến bay đột xuất vì công việc đến thường xuyên, những buổi họp thâu canh với các đoàn khách nước ngoài vì giờ hành chính ông phải đi họp tại Bộ Y tế. Biết bao nhiêu công việc như thế nhưng ông vẫn bình tĩnh giải quyết từng việc một.

 
BS Nguyễn Viết Tiến: Về nhà lúc nửa đêm nhưng vợ tôi không biết ghen! - ảnh 2
PGS. TS Nguyễn Viết Tiến nhận Thành tựu trọn đời lĩnh vực Y dược tại Giải thưởng Nhân tài đất Việt 2013
Lựa chọn đúng đắn của người con miền Trung

Sinh ra trong một gia đình nghèo ở tỉnh Hà Tĩnh, PGS Tiến chia sẻ, ngày còn bé ông đã phải cố gắng hết sức để được đi học. Nhiều trẻ em ở quê ông sau này vì quá nghèo không được đến trường cũng làm ông khắc khoải. 

Khi ông thi vào trường Đại học Y Hà Nội, bạn bè mải miết chọn nội khoa, nhi khoa thì ông chọn sản khoa. Lúc đó, người ta thường trêu đùa rằng "giỏi đi nhi, ngu si đi sản". 

Chàng sinh viên Nguyễn Viết Tiến lúc đó chỉ cười nghĩ, nghề gì cũng cần tâm huyết. Sản khoa đâu chỉ là đỡ đẻ như người ta vẫn nghĩ. Sau này, ông ra trường về công tác tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương ông đã trực tiếp mổ cho hàng ngàn bệnh nhân, sản khoa thực sự có duyên với ông để đến nay dành hiệu "đôi tay vàng" của ông được cả thế giới biết đến.

Cười nhiều khi nói đến vợ

Là một lãnh đạo nhưng người ta thường thấy PGS Tiến nói nhiều đến chuyên môn hơn là công tác quản lý bởi ông nghiền nhất là chia sẻ chuyên môn. Kể về vợ mình, vị thứ trưởng này nói đến không nhiều. Vợ của bác sĩ Nguyễn Viết Tiến cũng là người có tên tuổi, thân thuộc với hàng triệu sản phụ Việt khi bà cũng là một bác sĩ.

PGS Tiến cười: "Cả nhà tôi đều là bác sĩ và cháu nhà tôi đang làm tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương cũng khá lắm. Cháu tự lập và có nhiều công trình nghiên cứu, tương lai chắc phải hơn tôi rồi. Tôi cũng hi vọng lắm để giúp nhiều hơn nữa cho bệnh nhân". 

Hai vợ chồng cùng là bác sĩ nên bà cũng hiểu nghề bác sĩ rảnh rỗi hay bận bịu không thể tự họ quyết định được mà phụ thuộc vào bệnh nhân.

Cầm chiếc điện thoại "cục gạch" ông giơ lên phân bua: "Bận không để ý gì đến công nghệ thông tin chứ nói gì đến đi chơi". Thế giới xung quanh có ngày lễ tình yêu còn với vị bác sĩ này và vợ ông thì ngày Valentine luôn ở trong lòng họ là đủ. 

Vợ ông chưa khi nào càu nhàu khi chồng về trễ, quên ngày lễ, quên tặng quà song ông không cho phép mình quá bận để được quyền quên sinh nhật của các thành viên trong nhà. 

Nói về các con, PGS Tiến cảm thấy yên tâm vì hai đứa con của ông đều bộc lộ được tài năng của mình từ rất sớm. Vợ ông là bác sĩ đông y nên cũng không quá bận như bác sĩ sản khoa nên bà dành thời gian dạy dỗ, chăm sóc các con. Nhờ thế mà con cái trưởng thành, còn ông thì ngày càng thành công hơn trong nghề y. 

Khi hỏi đến chuyện ghen tuông của phụ nữ, vị thứ trưởng này không giấu được vẻ khôi hài, ông cười lớn: "Vợ tôi không ghen bao giờ cả. Người ta bảo "Ớt nào mà ớt chẳng cay/ Gái nào mà gái chẳng hay ghen chồng" nhưng bà xã tôi lại không ghen, hay bà không yêu chồng? Nhưng tôi biết vợ mình hiểu công việc và tin tưởng tôi tuyệt đối".

Còn đối với chuyện ngoại tình, PGS Tiến kể ông cũng là đàn ông cũng thích cái đẹp nhưng ở giới hạn. Cái đẹp ai cũng thích nhất là phụ nữ đẹp nhưng không phải thích mà cho phép mình làm liều. Người đàn ông cần bản lĩnh và người bác sĩ còn cần bản lĩnh hơn. 

Ông tập trung cao độ cho công việc nên luôn thấy "nợ nần" vợ con điều gì đó. Có lẽ vì thế, khi nào rảnh ông chỉ muốn về bên gia đình nhỏ của mình.

Thứ trưởng Nguyễn Viết Tiến cho rằng mình sống như thế nào còn làm gương cho con cái. Con trai, con dâu cũng làm bác sĩ nên ông thường chia sẻ cho các con về kỹ năng nghề y cũng như cách đối mặt với cuộc sống, cái được mất ở đời và những vướng mắc trong nghề nghiệp. Ông luôn tuân thủ quy tắc học và học. Mình học cái mình chưa biết và chỉ làm cái gì mình đã biết. 

Với vợ ông cũng thế, ông thường nhẹ nhàng động viên vợ để bà yên tâm làm hậu phương vững chắc cho ông và các con. Vì thế, đến nay gia đình vẫn là nơi ấm áp nhất của ông sau những ngày làm việc vất vả.


Tin khác

Hội nghị khoa học chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa (12/8/2019)