GS Hồ Đắc Di sinh ngày 11/5/1900, đúng vào ngày Phật Đản năm Canh Tý theo lịch âm, trong một danh gia vọng tộc ở cố đô Huế, một dòng họ có tới năm nàng dâu là công chúa, công nữ, và số thượng thư, tổng đốc khó đếm hết.
Ông nội GS Di là cụ hầu tước Hồ Đắc Tuấn đỗ cử nhân nho học, kết hôn với Công nữ Thức Huấn, con gái Tùng Thiện Vương Miên Thẩm, một nhà thơ nổi tiếng thời nhà Nguyễn. Phủ đệ Tùng Thiện vương nay là một điểm du lịch ở cố đô Huế. Cha GS cụ Khánh Mỹ Quận công Hồ Đắc Trung, cử nhân nho học, kết hôn với Công nữ Á Nam.
Là con trai một vị Quận công, cho nên trong gần 13 năm du học ở Bordeaux, rồi Paris, anh thanh niên Hồ Đắc Di thường được bạn bè người Pháp gọi một cách trang trọng pha chút trêu đùa là Prince Ho Dac (Công tước Hồ Đắc), tựa như Công tước Andrey Bolkonsky trong bộ tiểu thuyết trường thiên bất hủ Chiến tranh và hòa bình của đại văn hào Nga Lev Tolstoy.
Năm 1918, khi Chiến tranh thế giới thứ nhất vừa kết thúc, mìn ở Địa Trung Hải còn chưa quét hết, anh thanh niên họ Hồ Đắc lên đường sang Paris du học. Ở Pháp lúc ấy đã có khá nhiều người Việt Nam. Yêu sách về Quyền của các dân tộc do Nguyễn Ái Quốc gửi tới Hội nghị Hòa bình Versailles năm 1919, được báo chí Pháp công bố, gây tiếng vang rất lớn. Anh sinh viên Hồ Đắc Di thường lui tới câu lạc bộ sinh viên An Nam ở Pháp. Tại đây, anh được gặp những nhà yêu nước nổi tiếng.
Sau này, GS Hồ Đắc Di kể lại trong hồi ký của mình:
“Một sự kiện đặc biệt để lại ấn tượng sâu sắc trong tiềm thức của tôi. Hồi ấy, tôi thường đến trụ sở Hội Sinh viên An Nam tại 15 phố Sommerard, khu Latin, Paris. Một sáng chủ nhật, tôi đi với anh bạn Dương Văn Giáo, người Nam Kỳ, luật sư tập sự. Chúng tôi đến trụ sở Hội để gặp gỡ bạn bè. Trụ sở có hai phòng: phòng ngoài để sách, báo cho sinh viên xem; phòng trong bày bàn ghế tiếp khách. Nhìn vào phòng trong, tôi thấy có ba người đang ngồi nói chuyện. Một người nhiều tuổi, để râu. Một người béo, lùn. Và một người trẻ tuổi, xanh xao, dong dỏng cao.
- Cậu có biết ba người kia là ai không? - Anh Giáo hỏi tôi.
- Biết một. Người để râu là cụ Phan Chu Trinh. - Tôi nói.
- Người béo, lùn là luật sư Phan Văn Trường - anh Giáo tiếp lời. - Còn người trẻ, gầy là ông Nguyễn Ái Quốc đấy!
Ba tiếng “Nguyễn Ái Quốc” khiến tôi bàng hoàng xúc động! Thì ra con người mà tôi hằng nghe bạn bè nói tới, con người đã cất cao tiếng nói đanh thép đòi quyền chính đáng cho dân tộc Việt Nam - một việc làm can đảm khiến bất cứ người Việt Nam nào có chút lòng yêu nước cũng phải cảm thấy tự hào - con người ấy đang ngồi trước mặt tôi kia!
Sau hôm ấy, tôi còn thấy ông Nguyễn Ái Quốc một lần nữa tại trụ sở Hội Sinh viên An Nam .
Lúc bấy giờ, anh em sinh viên chúng tôi thường lặng lẽ đem đi bán những số báo Người cùng khổ và Việt Nam hồn trong bà con người Việt tại Paris.
Năm 1919, mặc dù hoàn toàn chưa có một ý niệm gì về cách mạng Việt Nam nhưng tôi vẫn thầm cảm phục hành động yêu nước nồng nhiệt và lòng quả cảm vô song của ông Nguyễn Ái Quốc. Cho nên, năm 1945, khi được biết phong trào Việt Minh là do ông Nguyễn Ái Quốc sáng lập (nhờ một tờ truyền đơn ai đó lùa qua khe cửa) là tôi yên tâm: Chính nghĩa đây rồi! Độc lập, Tự do đây rồi! Và khi được thấy con người mảnh khảnh năm xưa thường lui tới số nhà 15 phố Sommerard, nay tóc đã điểm bạc, lưa thưa chòm râu cằm, cất cao giọng Nghe đọc Tuyên ngôn Độc lập thì niềm tin của tôi càng thêm vững chắc.”
Cách mạng Tháng Tám thành công, Chủ tịch Hồ Chí Minh tin cậy giao cho GS Hồ Đắc Di (người Việt Nam duy nhất được Toàn quyền Đông Dương công nhận chức danh giáo sư đại học trước năm 1945) nhiều trọng trách: Hiệu trưởng Đại học Y Hà Nội, Tổng Thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Vụ Đại học, và Giám đốc Bệnh viện Đồn Thủy (trên chỗ đất nay là Bệnh viện trung ương quân đội và Bệnh viện Hữu nghị). GS Di hăm hở lao vào công việc. Nhưng chẳng được bao lâu...
Chiều 17/12/1946, vừa mổ xong một ca, đang rửa tay, thay áo, ông bỗng nhận được lệnh trên: “Tình hình hết sức nghiêm trọng! Phải rời Hà Nội ngay!”
Băn khoăn, lo lắng nhưng ông quyết chí ra đi.
Xây dựng Đại học Y giữa rừng sâu
Một tháng sau. Trường Y tiếp tục giảng dạy trong nhà đồng bào ở làng Vân Đình (nay thuộc tỉnh Hà Tây). Pháp đánh ra Vân Đình, trường chuyển lên Việt Bắc, dừng lại tại huyện Chiêm Hóa (Tuyên Quang).
Ngày 6/10/1947, Trường Đại học Y kháng chiến làm lễ khai giảng năm học mới. Tổng Tư lệnh Quân đội quốc gia Võ Nguyên Giáp đã đến dự. Đến dự còn có nhiều vị trong Chính phủ và Quốc hội: Hoàng Tích Trí, Nguyễn Khánh Toàn, Phạm Bá Trực… GS Nguyễn Văn Huyên, Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, chủ trì buổi lễ. Giáo sư Hiệu trưởng Hồ Đắc Di đọc một bài diễn văn đầy xúc động, rất sâu sắc, đến nay vẫn còn giữ được nguyên văn.
Ngay hôm sau, 7/10, Pháp mở cuộc tiến công lên Việt Bắc. Chúng đốt Bệnh viện thực hành của Trường Y bên làng Ải, giết một bệnh nhân và đốt luôn ngôi nhà sàn của BS Tôn Thất Tùng ở bên đó. Thầy và trò phải vượt con ngòi Quẵng, lánh sang làng Bình, rồi ẩn náu vào rừng sâu hai tháng, cho đến khi quân Pháp rút lui.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua. Ngày nay, ngồi đọc lại những trang viết của GS Hồ Đắc Di trong những năm ở Việt Bắc, ta không khỏi cảm phục trước tầm nhìn xa rộng đối với giáo dục đại học cũng như đối với ngành y.
Ngay từ năm 1947, GS Di đã chỉ rõ:
“Trường đại học là một cộng đồng trong đó thầy và trò cùng có chung một niềm khát khao học hỏi qua tự do trao đổi ý kiến để đạt đến chân lý, để thấu hiểu một cách đúng đắn giá trị của sức mạnh trí tuệ. Đó chính là bí quyết của tinh thần đại học (...). Trong lao động tập thể, trong không khí thân mật, ấm áp, tin cậy và tôn trọng lẫn nhau giữa thầy và trò, óc phê phán khoa học, đóa hoa đẹp nhất của trí tuệ con người, sẽ có đất để phát huy, nở rộ.”
Đó là mối quan hệ thầy trò hoàn toàn mới, theo tinh thần dân chủ, khoa học, và nhân bản.
GS Di sớm cho rằng trường đại học phải “vừa là trung tâm giảng dạy, vừa là trung tâm nghiên cứu”. Ông viết:
“Giảng dạy và nghiên cứu là hai anh em sinh đôi, và nhiều khi giảng đường trang nghiêm chỉ là sảnh chờ trước khi bước vào phòng thí nghiệm.” (Trích từ Sứ mạng và vai trò của trường đại học - 1949).
Về sau, ông nói rõ thêm:
“Trường đại học không chỉ là nơi giảng dạy khoa học đã hình thành, mà còn là nơi đang hình thành khoa học.”
Là “người thầy đầu tiên” của GS Tôn Thất Tùng
Chúng ta đều biết, GS Tôn Thất Tùng luôn luôn tự hào về “người thầy đầu tiên” của mình là GS Hồ Đắc Di. Sau khi đã trở thành viện sĩ của nhiều viện hàn lâm trên thế giới, GS Tôn Thất Tùng viết:
“Cụ Hồ Đắc Di thường dạy tôi: Khoa học là sự nổi dậy của tư duy. Đã làm khoa học là phải luôn luôn đặt lại vấn đề. Nếu không, thì chẳng còn gì để tìm kiếm nữa! Và cũng chẳng có gì để phát minh!”
Còn GS Hồ Đắc Di thì cho rằng “người thầy giáo nào càng đào tạo được nhiều học trò giỏi hơn mình thì càng hạnh phúc”. Ông đòi hỏi các giáo sư đại học: “phải phát hiện trong đám sinh viên những người có năng khiếu tìm tòi, rèn luyện cho họ óc quan sát, tính tò mò, tinh thần phê phán, khơi gợi ở họ lòng khát khao hiểu biết, bồi dưỡng cho họ trí tưởng tượng (...), biết vươn lên trên các sự kiện riêng lẻ, làm quen với các quy luật, biết suy luận một cách biện chứng, trung thực tuyệt đối trước các sự kiện” (Xem Sứ mạng và vai trò trường đại học - 1949).
GS Di luôn luôn đề cao y đức. Ông nhấn mạnh nghề thầy thuốc là “nghề không dung thứ bất cứ thứ gì trái đạo đức bởi vì nó liên quan đến cái tinh tế nhất là sự sống của con người”.
GS Di cho rằng, “nhờ kết hợp giữa khoa học và văn hóa mà người thầy thuốc xứng đáng với thiên chức cao quý của mình”. Ông thường nhắc các đồng nghiệp trẻ phải trau dồi văn hóa, coi văn hóa là gốc rế, kỹ thuật là ngọn cành; dù thành thạo kỹ thuật đến đâu mà đầu óc nghèo nàn về văn hóa, thì cũng chưa thể gọi là người trí thức, theo đúng nghĩa của từ này.
Nhớ về người thầy của mình, vào dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Trường Đại học Y Hà Nội, GS Phạm Khuê viết:
“Sự nghiệp của cụ Di là sự nghiệp khoa học. Cuộc sống của cụ Di là cuộc sống của một triết nhân.”
Trước Cách mạng Tháng Tám, GS Hồ Đắc Di đã công bố 37 công trình nghiên cứu trên các tạp chí y học của Pháp ở Paris cũng như ở Viễn Đông. Một số công trình của ông có ý nghĩa mở đường… Những công trình này, gần đây, Đại học Y Hà Nội mới tìm lại được.
GS Hồ Đắc Di đã được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt I một phần do các công trình về “quan điểm, đường lối, phương pháp luận đào tạo cán bộ y tế Việt Nam sau năm 1945”, và phần khác do “công trình biên khảo Sinh học và bệnh học đại cương”.
GS Hồ Đắc Di qua đời ngày 25/6/1984 tại Hà Nội, thọ 84 tuổi. Để tưởng nhớ ông như một danh nhân, chính quyền Thủ đô đã quyết định đặt tên ông cho một con phố: phố Hồ Đắc Di. Đó là con phố nối liền với phố Tôn Thất Tùng, phố Phạm Ngọc Thạch và phố Đặng Văn Ngữ - tên tuổi những người thầy thuốc tài đức vẹn toàn của nền y học Việt Nam hiện đại.