Bộ Y tế tiếp tục nhân rộng mô hình phòng khám bác sĩ gia đình giai đoạn 2016-2020

Đăng vào 22/01/2018
Ngày 15/7/2016 tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị trực tuyến nhân rộng mô hình bác sĩ gia đình (BSGĐ) tại 63 điểm cầu trong cả nước.

Chủ trì hội nghị có các đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ; đồng chí Nguyễn Thúy Anh, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội của Quốc hội; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế; đồng chí Phạm Lương Sơn, Phó Tổng Giám đốc Bảo hiểm xã hội Việt Nam; GS.TS.Nguyễn Viết Tiến, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS.Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế; PGS.TS.Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, Chữa bệnh Bộ Y tế.

Đoàn chủ tọa Hội nghị

Tham dự hội nghị còn có đại diện lãnh đạo Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các Bộ/Ban/ngành liên quan. Về phía Bộ Y tế các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm, lãnh đạo các Vụ, Cục, Thanh tra, Văn phòng, đơn vị trực thuộc Bộ Y tế.Tại 63 điểm cầu địa phương tham dự và chủ trì có đại diện lãnh đạo UBND, Sở Y tế, đơn vị, bệnh viện, viện, trường tại Y dược trên địa bàn tỉnh/thành phố.

PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phát biểu tại Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, PGS.TS.Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng  Bộ Y tế cho biết: mô hình bác sĩ gia đình đã phát triển ở nhiều nước trên thế giới. Năm 1960, y học gia đình ra đời ở Mỹ, Anh và một số nước, đã đáp ứng kịp thời nhu cầu chăm sóc sức khỏe của cộng đồng với sự chuyển đổi mô hình bệnh tật trên toàn cầu. Ở nhiều nước, 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe ban đầu của người dân do bác sĩ gia đình đảm nhận.

Tại Việt Nam, từ năm 2000, Bộ Y tế chính thức công nhận chuyên ngành Y học gia đình và cho phép đào tạo bác sĩ chuyên khoa cấp I Y học gia đình. Hoạt động bác sĩ gia đình đã bước đầu được tổ chức tại một số thành phố, nhưng còn nhỏ, lẻ, chưa đầy đủ nguyên lý của y học gia đình. Tính đến tháng 6-2016, đã có 336 phòng khám bác sĩ gia đình được thành lập tại 6 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó có 234 phòng khám bác sĩ gia đình công lập gắn với cơ sở khám chữa bệnh thuộc bệnh viện, phòng khám đa khoa công lập, trạm y tế (chiếm 98,33%).

“Kết quả hoạt động của các phòng khám bác sĩ gia đình tại Việt Nam và kinh nghiệm ở các nước trên thế giới cho thấy, nếu phát triển mô hình bác sĩ gia đình sẽ góp phần nâng cao chất lượng chăm sóc ban đầu theo hướng toàn diện và liên tục, giúp sàng lọc bệnh tật, chuyển tuyến phù hợp, góp phần giảm quá tải bệnh viện tuyến trên”, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến nói.

Tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cũng yêu cầu: giai đoạn 2016-2020,  ngành Y tế sẽ nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám bác sĩ gia theo lộ trình để bảo đảm đến năm 2020 có khoảng 80% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương triển khai mô hình phòng khám bác sĩ gia đình trên phạm vi toàn tỉnh. Trong đó, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là kiện toàn, thành lập các mô hình phòng khám bác sĩ gia đình: Trạm y tế tuyến xã hoạt động theo nguyên lý Y học gia đình, phòng khám bác sĩ gia đình tư nhân, phòng khám bác sĩ gia đình thuộc bệnh viện đa khoa nhà nước.

Đồng chí Vũ Đức Đam, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó thủ tướng Chính phủ phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng: phòng khám BSGĐ là một mô hình hay trên thế giới, nhưng việc triển khai thực hiện ở nước ta còn vướng mắc và chưa thông suốt, tiến độ thực hiện còn chậm và chưa tạo được chuyển biến; mô hình bác sĩ gia đình được tích hợp với hoạt động của các trạm y tế xã thì mục đích chưa có gì mới, hệ thống trạm y tế cơ sở đã được xác định trách nhiệm chăm sóc sức khỏe ban đầu cho nhân dân trên địa bàn; trong từng thời kỳ, từng địa phương, hoạt động của trạm y tế xã, phường đã hiệu quả hay chưa?. “Vấn đề cần làm hiện nay là tăng cường năng lực chăm sóc sức khỏe ban đầu (bao gồm phòng bệnh, khám chữa bệnh, tư vấn sức khỏe theo đúng quy định của pháp luật) cho trạm y tế cơ sở; đồng thời có mức độ phân biệt rõ ràng giữa các trạm y tế ở nông thôn, đặc biệt là miền núi với trạm y tế ở thành phố. Hiện nay, nhiều trạm y tế xây dựng khang trang, nhưng không có bệnh nhân đến khám, còn ở miền núi không có trạm y tế. Vì vậy, Bộ Y tế cần phối hợp với các Bộ/ngành liên quan rá soát nơi nào chưa có trạm y tế thì cần phải xây dựng mới phù hợp với tình hình của từng địa phương. Vấn đề cần hiện nay là đổi mới cơ chế tài chính cho y tế cơ sở”, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.

Quang cảnh Hội nghị

Tại Hội nghị, Bộ Y tế đã đề nghị UBND các tỉnh, thành phố quan tâm chỉ đạo và đầu tư hơn nữa cho y tế cơ sở nói chung và phát triển BSGĐ nói riêng theo định hướng, kế hoạch của Bộ Y tế. Chủ tịch UBND 8 tỉnh, thành phố là: TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, Thái Nguyên, Thừa Thiên Huế, Khánh Hòa, Cần Thơ, Tiền Giang tiếp tục chỉ đạo Sở Y tế phát huy kết quả bước đầu, triển khai quyết liệt mô hình phòng khám BSGĐ tại địa phương, lựa chọn một số đơn vị (trạm y tế xã, phường, thị trấn, phòng khám BSGĐ tư nhân) để xây dựng mô hình phòng khám BSGĐ hoàn chỉnh, làm điển hình nhân rộng tại địa phương và cả nước.

Bộ Y tế cũng đề nghị,  Sở Y tế các địa phương phối hợp với các sở, ngành liên quan để khảo sát, đánh giá thực trạng y tế cơ sở, nhu cầu chăm sóc ban đầu của nhân dân địa phương, xây dựng kế hoạch cụ thể và lộ trình, thời gian cụ thể triển khai nhân rộng và phát triển mô hình phòng khám BSGĐ… Các Sở Y tế và các đơn vị phải quán triệt sâu sắc đến cán bộ y tế để có nhận thức, hiểu biết đúng về vai trò, nhiệm vụ và ý nghĩa của việc phát triển BSGĐ ở nước ta.

Nguồn: moh.gov.vn


Tin khác

Hội nghị khoa học chuyên ngành Sản phụ khoa và Nhi khoa (12/8/2019)